Như Tieudung.kinhtedothi.vn đã phản ánh ở bài trước, khu nhà, đất số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP Hồ Chí Minh, do cố luật sư Trịnh Đình Thảo đứng tên trên bằng khoán từ năm 1939. Năm 1965, luật sư Trịnh Đình Thảo đi hoạt động cách mạng, bí mật ra vùng kiểm soát của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và làm Chủ tịch Liên minh các Lực lượng Dân tộc - Dân chủ Hòa bình Việt Nam. Trước khi ra chiến khu, luật sư Trịnh Đình Thảo đã cho vợ chồng tư sản mại bản Trương Hy thuê căn nhà số 391 khu Sài Gòn - Độc lập do ông mua và sở hữu hợp pháp từ năm 1939, với thời gian cho thuê là 12 năm (1965 – 1973). Tuy nhiên, chỉ vì chế độ cũ đã tuyên bản án số 069 "tử hình vắng mặt và tịch thu toàn thể tài sản” mà gần 45 năm sau, 3 thế hệ gia đình của cố luật sư vẫn gian nan trên hành trình đòi...nhà.
Lúc sinh thời, luật sư Trịnh Đình Thảo đã nhiều lần viết đơn đề nghị TP HCM trả lại nhà cho ông theo pháp luật, nhưng không được giải quyết. Trong ảnh, luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam (trái) và luật sư Trịnh Đình Thảo tại căn cứ Tây Ninh. Ảnh tư liệu
Chưa được xử lý dứt điểm
Ngày 15/7/2021, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã có đơn đề nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về vụ việc.
Cụ thể, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, quá trình xem xét trả lại nhà đất 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa cho những người thừa kế hợp pháp của cụ cố luật Trịnh Đình Thảo không được xử lý dứt điểm gây bức xúc trong dư luận.
Trong đó, có 2 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật cần phải được xem xét lại một cách nghiêm túc, gồm: Quyết định số 1701-QĐ/UBND ngày 19/12/1977 của UBND TP Hồ Chí Minh về việc tịch thu tài sản của của tư sản, mại bản Trương Hy do đã xác định hoàn toàn sai đối tượng chủ thể sở hữu căn nhà, vì người sở hữu căn nhà là cố luật sư Trịnh Đình Thảo.
“Tôi tha thiết kiến nghị Đồng chí Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo huỷ Quyết định số 1701-QĐ/UBND ngày 19/12/1977 của UBND TP Hồ Chí Minh, xem xét trả lại ngôi nhà nêu trên cho gia đình cố Luật sư – Nhà cách mạng Trình Đình Thảo” - ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Sau khi nhận được đơn đề nghị của ông Lưu Bình Nhưỡng gửi Thủ tướng Chính phủ, ngày 9/8/2021, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 5454/VPCP-V.I, do ông Cao Huy – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, gửi Bộ Tài chính; Bộ Xây dựng; UBND TP Hồ Chí Minh thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu “kiểm tra việc quản lý, sử dụng, hiện trạng nhà đất số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, theo đúng quy định của pháp luật… báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/11/2021”.
Văn bản số: 3198/UB-PC ngày 30/5/2005 do ông Nguyễn Văn Đua - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh ký
“Trường hợp đặc biệt”
Như vậy, sau gần 45 năm, 3 đời gia đình cố luật sư Trịnh Đình Thảo mệt mỏi vì khiếu kiện kéo dài, đến nay vẫn chưa đòi lại được tài sản.
Đáng chú ý, trong các Văn bản số 3198/UB-PC ngày 30/5/2005 do ông Nguyễn Văn Đua - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh ký; sau đó là Quyết định số 2013/QĐ-UBND ngày 4/5/2007 do ông Nguyễn Hữu Tín - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh ký về việc “Giải quyết khiếu nại của ông Trịnh Đình Trí (con trai ruột của cố luật sư Trịnh Đình Thảo)” đều trích dẫn các loại văn bản quy định của pháp luật, trong đó có dựa theo căn cứ của Quyết định số 111/CP ngày 14/4/1977 của Hội đồng Chính phủ về chính sách quản lý và cải tạo XHCN đối với nhà, đất cho thuê tại các đô thị phía Nam.
Tại Khoản b, Điều 3, mục II (đối với nhà đất vắng chủ) quy định rõ: “Những người đi tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến khi trở về, Nhà nước sẽ xét từng trường hợp mà trả lại nhà cửa, tài sản cho họ”.
Tại Chỉ thị 239-CT ngày 9/9/1989, “Chỉ thị Về việc đình chỉ trả lại nhà của nhà nước cho tư nhân” Mục 3 cũng quy định: “…UBND các cấp và lãnh đạo các ngành cần tiến hành ngay việc kiểm tra lại tình hình xử lý, giải quyết nhà đối với tư nhân, nếu phát hiện có sai phạm theo tinh thần Chỉ thị này thì phải sửa ngay, nếu thấy có tiêu cực trong việc này thì phải xử lý nghiêm minh…”;
Thông tư số 04-BXD/XDCB/DT, ngày 12/10/1990 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 239-CT hướng dẫn cụ thể tại mục 2: “Những trường hợp đặc biệt được xét trả lại nhà”, như sau: “Chủ nhà đi hoạt động cách mạng, do yêu cầu công tác phải vắng mặt ở địa phương, nhà cửa bị chính quyền địa phương quản lý theo diện “nhà vắng chủ”. Đến nay, đã được Chủ tịch UBND tỉnh xác nhận nguyên nhân chủ nhà vắng mặt đúng với lý do nêu trên”.
Với trường hợp của gia đình cố luật sư Trịnh Đình Thảo, vì tham gia cách mạng, bị chính quyền Sài Gòn tuyên án tử hình, tịch thu nhà cửa... bản thân ông phải thoát ly ra vùng giải phóng hoạt động, góp công sức lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, công lao của ông là điều rõ ràng.
Cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh nên xem xét lại trường hợp mất nhà của gia đình Luật sư Trịnh Đình Thảo thuộc “trường hợp đặc biệt” để trả lại. Cơ quan chức năng cần phối hợp với Bộ Xây dựng xem xét thấu đáo, giải quyết trả lại nhà đất cho gia đình cố luật sư.
Luật sư Trịnh Đình Thảo là nhà trí thức uyên bác yêu nước, năm 1969 trong đoàn cán bộ miền Nam ra thăm miền Bắc. Ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đón thân mật tại Hà Nội. Từ năm 1976 đến năm 1981, luật sư là Đại biểu Quốc hội khóa VI, Ủy viên Ban Dự thảo Hiến pháp; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Luật sư được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất và Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Ông chết năm 1986 tại TP Hồ Chí Minh, hưởng thọ 86 tuổi. |